Nguyệt San Số 18


Người góa phụ năm xưa

Tác giả: Phan Minh Hiển
Thể loại: Bút ký  

      Tôi xin kể lại đoạn đời của một quả phụ khác mà tôi hằng kính mến. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, vợ cố đại úy Trần Văn Công. Bà Tuyết Nhung sinh năm 1944 tại Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy. Năm 18 tuổi (1961), như mọi cô gái quê khác, bà lên xe hoa về nhà chồng. Anh Trần Văn Công là một giáo viên gương mẫu, anh đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ như xử lý thường vụ thay thế trưởng Ty Tiểu Học, hiệu trưởng Trường Tiểu Học La Gì. Vợ chồng sống trong hạnh phúc và có sáu mặt con. Cả gia đình đi chùa lễ Phật đều đặn và thường giúp đỡ những người lầm đường lạc bước hay bị túng quẫn. Hai vợ chồng rất là tâm đắc, chồng bảo vợ nghe, con cái đề huề. Thực là một mối tình thơ mộng. Dòng đời cứ êm ả trôi qua những tưởng như được sống mãi trong hạnh phúc, nào ngờ chiến cuộc leo thang, tang thương bao trùm khắp mọi miền đất nước, hàng hàng lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ.
     Năm 1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành lệnh tổng động viên. Như mọi công dân khác, anh Trần Văn Công lên đường và thụ huấn tại trường huấn luyện sĩ quan Thủ Đức. Sau khi mãn khóa, được gắn cấp bậc chuẩn úy, anh Công được đưa về Sa Đéc phục vụ ở KBC 3013. Đến năm 1973, chiến cuộc lan rộng, ngày nào cũng có giao tranh ác liệt, làng mạc xóm làng điêu tàn, đường sá luôn bị cộng sản ngăn chặn. Mỗi lần đi thăm chồng là một khó khăn.
     Trong lần đi thăm chồng hồi đầu tháng 4-1973, xe đò chở bà bị Việt cộng chận lại, họ đuổi mọi hành khách xuống xe và xét hỏi từng người ở bìa Rừng Lá, đoàn xe đậu dài suốt mấy cây số với hàng ngàn hành khách. Có nhiều đàn ông mặc quân phục và thường phục bị bắt trói ngồi ở bên đường. Cũng may là bà Tuyết Nhung nói là đi thăm bà con ở Sài Gòn lúc bị xét hỏi nên không bị làm khó dễ. Sau một hồi thuyết giảng, nào là "tội ác của Mỹ Ngụy", ai có bà con, thân nhân hoặc chồng con đi lính "hãy động viên kêu gọi chồng con trở về với đồng bào dân tộc", nhóm người này lặng lẽ rút vào rừng cùng với những người bị trói. Không ai dám lên xe vì không biết có được phép hay không. Tài xế và lơ xe bảo phải chờ lệnh và không ai dám đi trước.
     Thình lình, tiếng đạn cối và đại pháo từ xa bắn tới nổ ầm ầm chung quanh, mọi người hốt hoảng rạp mình xuống hai bên bờ đường tránh đạn. Tiếng khấn vái râm ran hòa lẫn tiếng kêu rên thảm thiết của người bị thương làm bầu không khí trở nên ghê rợn. Con nít khóc ré, tiếng đàn bà gọi con vang khắp một chốn rừng. Đến khi thấy bóng quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiến tới, mọi người mới hoàn hồn. Xe cứu thương từ Long Đất chạy tới chở những người bị thương vào bệnh viện. Hành khách lần lượt lên xe, lòng vẫn còn lo sợ. Thật là hãi hùng. Tội cho những người bị trọng thương, không biết thân nhân họ là ai. Cuối cùng mọi người vội vã vơ vét vài món đồ rơi vãi dưới đất bước lên xe đi tiếp.
     Đến Sa Đéc không gặp được chồng, bà Tuyết Nhung hỏi thăm mới biết chồng bà đã đổi về Định Tường được năm hôm rồi, hiện đồn trú ở Sầm Giang (gần Mỹ Tho), một đồn nhỏ hẻo lánh, muốn vào phải có quân xa chạy trước mở đường vì đoạn đường này thường bị gài mìn và phục kích. Người quen cho biết anh Công nhắn bà hãy lo cho anh ấy được về Sài Gòn.
     Sáng hôm sau, bà đón xe đò về Sài Gòn. Nhờ quen biết, bà gặp được các thượng cấp của anh ở Nha Động Viên và Bộ Giáo Dục. Thấy bà khóc lóc nài xin, thượng cấp hứa giúp đỡ. Bà yên tâm về lại Xuyên Mộc, đi ngang qua Rừng Lá lòng không khỏi lo âu. Về đến nhà đứa con gái út lâm bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, nó bị xuất huyết não. Hơn một tháng trời chữa trị, bác sĩ cho con bà xuất viện. Ngày hôm sau bà cùng đứa con gái lớn về Sài Gòn đến Bộ Giáo Dục, cơ quan chủ quản của anh Công, hỏi thăm tin tức. Tối về hai mẹ con về gia đình người em gái tạm trú. Nói chuyện đến giữa khuya, bà nhìn con ngủ say sưa và thuận tay vặn chiếc radio ở đầu bàn nghe tin tức. Tiếng xướng ngôn viên phát ra đều đặn. Chợt có tin đánh lớn ở Mỹ Tho, bà Tuyết Nhung chăm chú nghe.
"Tối hôm 11-5-1973, lúc 2 giờ sáng, một tiểu đoàn Việt cộng tấn công đồn Sầm Giang, một tiền đồn quan trọng của tỉnh Định Tường. Quân trú phòng đã chống trả kịch liệt. Sau hai giờ giao tranh, quân trú phòng đã đẩy lui các đợt tấn công. Địch quân rút lui, bỏ lại bên vòng rào nhiều xác chết, ta tịch thu 2 súng cộng đồng và nhiều vũ khí cá nhân, phía ta hoàn toàn vô sự".
     Bà thở phào nhẹ nhỏm, như vậy là anh Công vô sự. Rồi đến phần tin tức khắp nơi, nơi nào quân ta cũng toàn thắng. Sau đó là mục nhắn tin chia buồn. Ủa, có ai nhắn tin gì mà kỳ cục vậy?
"Cán bộ quân dân cán chính tỉnh Định Tường vô cùng thương tiếc cố đại úy Trần Văn Công đã anh dũng hy sinh tại Sầm Giang, Mỹ Tho, ngày 11-5-1973...".
     Làm sao có chuyện này được. Chắc họ đọc lầm, bà Tuyết Nhung mặt mày tái xanh. Phe ta vô sự mà. Không, không thể có chuyện này được, bà bàng hoàng ngơ ngác rồi khóc rống lên. Nghe tiếng khóc than vật vã trong phòng, cô em gái chạy vào, ngỡ đứa con gái lớn của bà mắc bệnh. Chừng hỏi ra mới biết, người em gái bùi ngùi lặng im, mọi người xúm lại an ủi bà. Ai đó lại lên tiếng chắc là "họ" đưa tin lầm, bà cũng mong như vậy. Tờ mờ sáng hôm sau, bà gởi đứa con nhờ dì chăm sóc rồi tức tốc đón xe xuống Mỹ Tho, tìm bộ chỉ huy hành quân tỉnh Định Tường hỏi cho ra lẽ.
     Trên đường, bà Tuyết Nhung cứ thầm cầu mong mình nghe lầm, nhưng khi đến nơi thì sự thực quá rõ ràng. Chồng bà đã ra đi vĩnh viễn thật rồi. Anh Trần Văn Công đã bị chết trong đợt pháo kích đầu tiên, đồn Sầm Giang đã bị thất thủ, quân địch đã tràn vào đốt phá đồn và mang theo nhiều quân trang và quân dụng. Mãi trưa hôm sau 12-5, quân tiếp viện mới tiến vào đồn đã bỏ trống, thu nhặt xác chết. Gia đình bên chồng cũng hay tin từ Sa Đéc chạy xuống, tất cả chỉ biết ôm nhau khóc lóc. Chồng bà chết đi để lại sáu đứa con, hai trai và bốn gái. Chồng bà được an táng tại nghĩa trang Hòa Long, thị xã Sa Đéc. Nhìn những nấm mộ nằm ngay hàng thẳng lối, nước vôi còn mới, lòng bà se lại. Tang thương này đâu chỉ riêng ai, cả đất nước này đều đau khổ. Nơi đây nằm xuống biết bao chiến sĩ, những người hy sinh cho tổ quốc.
     Bà Tuyết Nhung về Xuyên Mộc bán nhà, dẫn con vào Sài Gòn sinh sống. Bà thuê được một căn nhà nhỏ ở xóm Vườn Chuối bán buôn. Từ dó bà tảo tần nuôi con ăn học, sáu đứa con là một gánh nặng. Đứa con đầu mới lên 11 tuổi. Thân cò lặn lội chạy vạy nuôi con, biết bao cay đắng. Tưởng đâu được yên phận "thờ chồng, nuôi con", nào ngờ biến cố 30-4-1975 ập đến. Chế độ miền Nam sụp đổ. Bà cùng các trở về quê cũ La Gì, Bình Tuy, che dấu tông tích có chồng có cha là sĩ quan "ngụy". Cứ cách vài đêm một lần, bà Tuyết Nhung cùng bà con lối xóm đi họp, nghe cán bộ cộng sản giảng thuyết về sự "bách chiến bách thắng của đảng cộng sản" ngộp cả lỗ tai. Tuy vậy mỗi tháng bà vẫn đánh hàng về Sài Gòn và Bình Tuy đều đặn.
     Thấy sống không nổi, bà tổ chức vượt biên trốn ra nước ngoài cùng với đàn con vì có quen biết một vài chủ ghe đánh bắt hải sản tại Bình Tuy. Chuyến vượt biên lần đầu, chủ ghe quá bộp chộp nên thất bại phải bỏ trốn. Cũng may tông tích của bà chưa bại lộ, nhà cửa vẫn còn nguyên. Chuyến thứ nhì, rút kinh nghiệm lần trước, chủ ghe tổ chức chu đáo hơn. Buổi chiều đám đứa trẻ giả bộ rong chơi trên bờ biển, chờ lúc vắng người mới vội vàng chui xuống thuyền. Trong thuyền thức ăn đã có sẵn, gia đình chủ ghe cho con nít ăn uống, khuyên chúng không được khóc hay gây tiếng động. Vào lúc chạng vạng, từng tốp thanh niên tiến dần tới bến cảng, quan sát không có ai rồi nhảy xuống khoang thuyền. Sắp đến lượt người lớn, nhưng không may tối hôm ấy công an khu vực mời bà con trong tổ dân phố họp đột xuất. Trong cuộc họp, cán bộ công an nói về chuyện vượt biên, khuyên bà con cô bác hãy cảnh giác. Những người có chân trong tổ chức, trong đó có bà Tuyết Nhung, đưa mắt lo âu nhìn nhau, không ai nói ra nhưng đều biết là có triệu chứng bất thường. Buổi họp kéo dài tới 23 giờ đêm mới giải tán. Ra về mọi người trong ban tổ chức quyết định tạm hoãn chuyến đi, ai nấy vội vàng tìm cách đưa con cháu về nhà. Bao nhiêu công sức dành dụm bấy lâu nay tiêu tan theo mây khói. Thế là chuyến vượt biên kỳ hai này không thành.
     Từ đó bà Tuyết Nhung lăn xả vào công việc, bà mua bán dành dụm tiền lo cho chuyến vượt biên kế tiếp. Con cái trong nhà cũng phải bỏ học ngồi nhà chờ đợi. Đến cuối năm 1978, bà cùng các con mới có dịp ra đi. Trên thuyền, gia đình bà gồm tám người, gia đình chú Thuận bốn người, gia đình chủ thuyền bảy người, với người anh thứ chín của bà làm tài công, tổng cộng là hai mươi người. Đàn bà, con nít bị nhốt dưới hầm, trên thuyền chỉ có sáu người đàn ông. Thuyền xuất bến trong đêm nên trên bờ không ai hay biết. Đi được hai ngày một đêm, ngỡ rằng đã thoát nạn mọi người thở phào nhẹ nhõm, đám con nít vui mừng lên bong thuyền cười đùa hét vang. Hải phận quốc tế đã kề gần, ai nấy đều cất cao đầu ngóng tìm tàu buôn quốc tế đi ngang với hy vọng được vớt.
     Một lần nữa, số phận không may lại đến với gia đình bà. Thuyền đột nhiên chết máy, ba người đàn ông trên thuyền tích cực sửa máy nhưng vẫn không nổ. Sau một đêm hai ngày, con thuyền cứ nhấp nhô trên sóng nước trôi dần vào bờ. Mọi người lo âu khấn vái cho máy nổ trở lại, nhưng không. Máy tàu đã phản bội, nó im lìm không lên tiếng. Tuyệt vọng quá, bà Tuyết Nhung muốn xô các con xuống biển rồi nhảy theo luôn, nhưng không biết nghĩ sao bà đành phó mặc. Thuyền cứ trôi dạt vào đất liền, dãy núi xuất hiện mỗi lúc một rõ. Mọi người thấy từ trong bờ xuất hiện hai chấm trắng, càng lúc càng rõ dần. Đoàn người cầu mong đó là thuyền của ngư dân ra cứu, đàn bà con nít bị đuổi xuống hầm tàu. Ai cũng tháo vàng và lấy tiền ra sẵn sàng đưa cho người cứu để được dẫn vào bờ an toàn. Nhưng hỡi ơi, đó là hai thuyền của công an biên phòng chạy ra bắt, thế là tiêu tan hy vọng. Hai chiếc thuyền công an chạy đảo quanh thuyền vượt biên hai ba vòng, bắn mấy loạt súng thị uy. Thấy thuyền vượt biên không phản ứng, thuyền công an cặp vào hai bên hông. Hai toán công an nhảy lên tàu chỉa súng bắt mọi người trong buồng lái giơ cao hai tay, hỏi ai là chủ thuyền và tài công rồi bắt trói lại.
     Tội nghiệp anh chủ thuyền và chú tài công, hai người bị công an tống cho mấy báng súng vào bụng và đầu, máu chảy đầm đìa. Trói xong chúng kêu đàn bà con nít dưới khoang tàu lên bong xếp hàng, trói từng người một, con nít thì được miễn. Công an cột dây thừng vào đầu mũi thuyền vượt biên kéo vào bờ. Chủ thuyền và tài công bị đưa qua thuyền công an, chỉ để lại trên tàu vượt biên hai công an đứng canh chừng đám đàn bà con nít.
     Sự hành hạ những người tổ chức vượt biên thật khủng khiếp, tội "phản quốc" là tội nặng nhất trong lúc này. Đàn bà con nít còn đỡ, riêng chú Thuận, anh Chín và chủ thuyền bị công an chấp pháp và cán bộ trại giam đánh đến thừa chết thiếu sống. Ngồi ngoài nghe tiếng huỳnh huỵch, rồi tiếng rên xiết của người bị tra tấn trong phòng chấp pháp vọng ra ai cũng đau lòng. Họ hăm dọa bắn bỏ những người tổ chức, họ muốn biết thêm những ai dính líu đến đường dây để bắt. Tội nghiệp cho anh Chín, chú Thuận và chủ thuyền, vì muốn tìm tự do mà phải chịu bao nỗi trầm kha.
     Khi vào bờ, đồng bào hay tin có thuyền vượt biên bị bắt đã kéo ra xem đông đảo, có người tràn vào giữa đám người bị bắt cố ý cản trở sự kiểm soát của cộng sản để ai muốn trốn thì trốn, nhưng đoàn người chỉ toàn là đàn bà, trẻ con. Mấy người đàn ông bị bắt trói ngồi một góc nên không ai nghĩ đến chuyện trốn tránh, tất cả đều chán nản, lo sợ. Mãi suy nghĩ và bàn luận những điều ấy với người trong cuộc, bà Tuyết Nhung cảm thấy được an ủi vì ít ra dân chúng cũng còn tình người. Đối với bà, vượt biên đưa con cái trốn ra nước ngoài không phải là kẻ phản quốc như cán bộ cộng sản gán cho bà.
     Tàu bị tịch thu, nhà cửa những người trong cuộc đều bị niêm phong. Sau mấy ngày bị hành hạ tại đồn, họ đưa cả đoàn đi cải tạo ở trại Z30C Bình Tuy. Trong thời gian tập trung cải tạo, bà Tuyết Nhung ôn lại những gì đã trải qua và chuẩn bị những việc sẽ làm trong thời gian tới. Tại sao mình đi mấy chuyến không thành? Tại sao thuyền chết máy? Đó là những câu hỏi thường đặt ra giữa những người cùng chung số phận tại trại giam Bình Tuy này. Được biết ngư dân trên thuyền bị công an biên phòng trưng dụng để ra bắt tàu vượt biên cố ý trùng trình, họ cho thuyền chạy chầm chậm cố ý để thuyền vượt biên chạy thoát nhưng vì chết máy nên mới bị bắt. Sau gần một năm trời cải tạo, lao động nặng nhọc, mẹ con bà được tha về. Nhờ Trời Phật con cái bà vẫn được bình yên.
     Về lại nhà cũ thì than ôi, gia đình một cán bộ cộng sản đang ở. Người ta đã tịch thu nhà của bà. Mất nhà mất cửa, mối lái làm ăn cũng không còn, điều kiện sinh sống tại địa phương quá khó, mẹ con bà đi về Sài Gòn tá túc nhà người em gái, sống lây lất qua ngày nhờ sự tiếp trợ của gia đình gần xa. Sau một thời gian ăn nhờ ở đậu, bà đánh liều dẫn sáu đứa con nhỏ vào Long Hải sinh sống. Nhờ người chị thứ hai thương tình thuê giùm bà một căn nhà ở cạnh một ngôi chùa để ở và thường lui tới chăm sóc mấy cháu nhỏ, bà rảnh rang buôn bán. Chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái, cuộc sống rất là gian truân, chỉ được cái là ở địa phương không ai biết bà đã bị bắt vì tội "vượt biên", ngoại trừ những người thân thích. Công việc làm ăn, buôn bán của bà dần dần phục hồi, có phần phát đạt.
     Đến giữa năm 1981, anh Chín mãn hạn tù được tha về. Nhờ dò hỏi bà con lối xóm, anh về SàiGon rồi ra Long Hải thăm mẹ con bà Tuyết Nhung. Nói sao hết được sự mừng vui trong lúc ấy, bà nhìn anh nghẹn ngào không thốt được nên lời. Anh ở lại với mẹ con bà, phụ giúp mẹ con bà kiếm một căn nhà rộng hơn để ở và tham gia buôn bán. Anh Chín sau mấy chuyến đi không thành cũng rất chán nản, quyết định ở lại. Mộng ra đi nước ngoài của bà Tuyết Nhung cũng không còn, khả năng tiền bạc không cho phép.
     Con cái cứ lớn dần theo thời gian. Đứa con gái đầu lòng đã qui y cửa Phật, nếu gia đình có đi chắc nó cũng không đi. Ngày nó xuống tóc đi tu, lúc đó vừa 17 tuổi, bà không cầm được nước mắt. Tâm con đã quyết, bà đành chìu theo. Sau 18 năm trau dồi Phật pháp, con gái bà hiện đang trụ trì tịnh thất Linh Quang, bà con Phật tử đến chùa cầu nguyện rất đông. Dòng đời cứ trôi chảy, các con bà lần lượt cưới vợ, lấy chồng. Tuy không khá giả hơn ai, nhưng được cái chúng rất hiếu hạnh. Biết bà suốt đời hy sinh cho con cái nên chúng đối xử với bà hết mực lễ phép, ít khi làm bà phiền lòng. Những đứa có gia đình ở xa vẫn thường xuyên tới lui, thăm viếng bà, những đứa có gia đình ở gần thường giúp đỡ, săn sóc bà mỗi khi đau yếu.
     Giờ đây tâm hồn bà đã yên tịnh. Suốt gần 35 năm lăn lộn với đời, có chồng rồi mất chồng, vượt biên thất bại, ở tù, biết bao đau thương, bao cảnh xé lòng diễn ra trước mắt, bà đều xem là hư ảo, mọi tị hiềm trên đời đều quên. Giờ đây sớm khuya kinh kệ, vui trong tiếng mõ hồi chuông, mong cầu sao cho quốc thái dân an, cảnh bất công không còn nữa để nhân loại chúng sinh cùng nhau toại hưởng. Thỉnh thoảng bà cùng với mấy chị em Phật tử thuê xe đến những đình chùa linh hiển cầu nguyện. Ước vọng cuối cùng của đời bà là các hội đoàn thiện nguyện ở khắp nơi trên thế giới mở lòng từ bi, bác ái và nhân ái, mở rộng vòng tay cứu vớt những nạn nhân đã chịu nhiều thương đau, mất mát trong cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước Việt Nam, và những trẻ em bất hạnh đang sống lang thang khắp đầu đường xó chợ được có nơi nương tựa và có được bàn tay chăm sóc.
     Bà Tuyết Nhung với tôi tuy không cùng tôn giáo nhưng đã chia sẻ với nhau niềm vui chung là lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi trong các chùa và nhà thờ. Hai chúng tôi quen nhau tại bắc Mỹ Thuận, qua trung gian anh Xích. Chúng tôi đã ngồi ăn với nhau những bữa ăn đầm ấm tình người. Anh Xích, bà Tuyết Nhung và tôi đã lập danh sách những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi cần được cứu giúp gởi ra hải ngoại nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển cùng các hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ.
     Xin gởi đến quí vị ân nhân nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi, những người bất hạnh trong cuộc chiến vừa qua và cầu chúc Ơn Trên phù hộ cho gia đình cùng cá nhân quí vị.
 
Viết lại theo lời thuật của chị Xuân Lan,                 
một góa phụ hiện cư ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.